Chị Nhật Anh muốn chụp lại một Venice khác lạ trong sương đêm, thay vì thành phố rực rỡ dưới ánh mặt trời.

Chị Nhật Anh, sống tại Melbourne, Australia rong ruổi trời Âu hơn ba tháng từ cuối 2021. Sau hai tháng đến Anh và Thụy Sĩ, chị sang Italy đón năm mới 2022. Nữ du khách Việt ở Milan 3 đêm, rồi mới đến Venice. Trên ảnh là Murano, một đảo thuộc Venice.

Chị Nhật Anh quyết định ghi lại cảnh Venice mờ sương tuyệt đẹp vào buổi đêm, thay vì chụp thành phố rực rỡ dưới ánh mặt trời.

Cái tên Venice có nguồn gốc từ “wen”, mang ý nghĩa “tình yêu”. Do đó nó còn được mệnh danh là “thánh địa tình yêu”. Ngoài ra, Venice còn được biết đến với các biệt danh khác như: thành phố của mặt nạ, thành phố của những cây cầu, thành phố kênh rạch…

Venice là thương cảng khổng lồ hình thành từ hơn 118 đảo, 175 kênh đào, nối với nhau bởi 444 cây cầu.

Quần đảo là nơi trú ngụ của hơn 260.000 dân, trong khi diện tích chỉ khoảng 414 km2. Đây là một trong những thành phố đông dân nhất thế giới, chưa kể khách quốc tế trung bình đạt 20 triệu lượt hàng năm. Để bắt được những khoảnh khắc tĩnh lặng, chị Nhật Anh “vác” máy đi chụp từ 22h đến 1h sáng hôm sau.

Một trong những nơi hút khách nhất tại đây là Canal Grande (kênh lớn) – mạch giao thông chính của thành phố. Canal Grande cũng từng nhiều lần nằm trong bảng xếp hạng những “con phố” đẹp nhất thế giới. Phương tiện di chuyển chính tại thành phố là thuyền gondola.

Trong lịch sử, Venice là trung tâm thương mại, nghệ thuật lớn của đất nước. Ngày nay, nó là điểm du lịch nổi tiếng, trung tâm thời trang và mua sắm.

Khu mua sắm ở quảng trường St. Mark im lìm về đêm. Đi sâu vào trong thành phố, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng nhiều công trình cổ kính như nhà thờ Basilica di San Marco, bảo tàng Doge’s Palace, quảng trường Piazza San Marco…

Quảng trường St. Mark vắng lặng vào ban đêm. Ước tính khoảng 100.000 khách du lịch đi lại trên các quảng trường của thành phố hàng ngày. Đầu năm nay, giới chức Italy thông báo sẽ hạn chế lượng người được phép vào Venice để giảm tình trạng quá tải du lịch. Sắp tới, khách du lịch chỉ có thể đến đây nếu đặt vé online có giá 5 euro, thời hạn mỗi vé là một ngày.

Chị Nhật Anh cho biết, Italy đang đối mặt với biến chủng mới Omicron nên chính phủ đưa ra nhiều quy định chặt chẽ hơn để phòng chống dịch bệnh. Du khách bắt buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính mới được nhập cảnh, dù có đã có thẻ thông hành xanh (green pass). Hành khách đi máy bay, tàu thuỷ, tàu hoả phải đeo khẩu trang KN95 hay FFP2. Vào bất kỳ nhà hàng nào cũng phải quét thẻ thông hành xanh.

Hiện tại, chị Nhật Anh đang ở Thụy Sĩ. Kết thúc chuyến đi, chị sẽ trở về Australia. Chị dự định tiêm tiếp vaccine mũi 3 để có thể yên tâm đi du lịch quốc tế trong thời gian tới. Tháng 2 năm nay, chị dự định về Việt Nam thăm gia đình và quay lại châu Âu vào tháng 4.

Nữ du khách cho biết hiện tại việc đi du lịch tại các nước châu Âu không quá khắt khe, vì các nước xác định sống chung với dịch bệnh. “Mọi người chỉ cần cập nhật thường xuyên tình hình, chính sách của quốc gia mình sắp đến”, chị nói

Phương Anh
Ảnh: Nhật Anh